Abstract: | Ngay sau khi vào phưong Nam mở đất, nhận thấy những ưu thế trong phát triển kinh tế thương mại của Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã sớm có sự lựa chọn và tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế ngoại thương. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Đàng Trong đã trở thành một vương quốc cường thịnh, một trung tâm thương mại lớn của Đông Nam Á. Việc xây dựng được nền tảng kinh tế vững chắc trong đó có ngoại thương không chỉ góp phần đem lại một diện mạo mới cho kinh tế Đàng Trong mà còn tạo nên những điều kiện thiết yếu cho chính quyền này củng cố quyền lực và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Trong quan hệ đối ngoại, vào thế kỷ XVI-XVIII, chúa Nguyễn đã dựa vào các quốc gia truyền thống, tức thế lực phương Đông để đối chọi với phương Tây. Đồng thời, cũng lấy chính sức mạnh kinh tế, kỹ thuật, vũ khí phương Tây trong đó đặc biệt là Bồ Đào Nha để điêu phối các mối quan hệ, giảm thiểu áp lực của một số thế lực chính trị châu Á cũng như Anh, Hà Lan... Do việc giải quyết tương đối thành công mối quan hệ với các quốc gia khu vực cũng như phương Tây, xử lý hài hoà vấn đề lợi ích giai cấp và quyền lợi dân tộc, các chúa Nguyễn không chỉ đã mở rộng được ảnh hường xuống phương Nam mà còn xác lập được quyền quản lý thực tế trên các vùng đất mới với một ý thức dân tộc mạnh mẽ. |