Abstract: | Hàng năm, toàn tỉnh Ninh Bình có diện tích gieo cấy lúa khoảng hơn 80 nghìn ha, chiếm tới 93% diện tích cây lương thực có hạt. Thời gian gần đây lượng rơm rạ được đốt ngoài đồng ruộng có xu hướng ngày càng tăng đã tạo ra lượng khí thải lớn, có thể gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong nghiên cứu này, các chất ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ trên toàn tỉnh Ninh Bình được thống kê và tính toán. Lượng khí phát thải của các chất CO2, CO, NOx, SO2, PM10, PM2.5, BC được tính toán dựa vào hệ số phát thải ABC EIM. Theo kết quả tính cho 3 trường hợp phát thải thấp, trung bình, cao thì trong giai đoạn năm 2010 đến năm 2015 lượng khí CO2 phát thải luôn đạt giá trị lớn nhất, cụ thể: trường hợp phát thải thấp: khoảng 448,7 ± 1,2 nghìn tấn chiếm 91,5%; trường hợp phát thải trung bình: khoảng 667,7 ± 1,8 nghìn tấn chiếm 91,2%; trường hợp phát thải cao: khoảng 949,6 ± 2,5 nghìn tấn chiếm 89,27% tổng lượng khí phát thải. Trong các chất còn lại, đáng chú ý là PM2.5 và các bon đen (BC) với mức phát thải lần lượt là 1,8 ± 0,005 đến 4,7 ± 0,02 nghìn tấn; 0,28 đến 0,3 nghìn tấn. Nhằm giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, việc sử dụng rơm rạ để trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, sản xuất gỗ ép, khí hóa năng lượng... được xem là những hướng đi thích hợp, giảm lượng khí thải độc hại vào môi trường trong thời gian tới. |